Phương thức Săn hổ

Đối với việc bắt hổ theo hình thức thủ công, có rất nhiều cách săn hổ như bẫy, hầm sập, nhưng phổ biến hơn cả là dùng lưới vây bắt, ngoài ra phải có sự phối hợp của rất nhiều người trong trường hợp dồn đuổi hổ. Đôi với những chuyến đi săn hổ theo thú vui tiêu kiển khiển giải trí theo kiểu cảm giác mạnh thì những người đi săn phải có sự chuẩn bị với những công đoạn, kỹ năng nhất định vì không như săn bắn các loại thú khác, hổ rất hung dữ và gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người. Thường trước khi bắt hổ người ta hay tổ chức cúng tế. Ngoài ra phải được trang bị kỹ các loại vũ khí. Những người thợ săn có thể tìm những người bản xứ thông thuộc địa bàn muốn săn, những vật dụng cần thiết để hành nghề, chọn ra cây súng tốt nhất, thường là loại súng trận, và nhất thiết không không mang theo những cây súng bắn chim thô sơ vì loại súng này không những không hạ được hổ trong phát súng đầu tiên, ngược lại còn có thể gây ra tai nạn bất ngờ, họ cũng chuẩn bị một con dao bén, mỏng được rèn bằng thép tốt và một chiếc đèn soi cột trên trán.

Người Sán Dìu đi săn thì dụng cụ săn hổ thô sơ có thể là súng kíp và những con chó săn, đi săn Hổ chủ yếu là súng kíp, ngoài ra mỗi người đi săn có thêm 1-2 con chó săn đi cùng để hộ người quây đuổi thú. Đối với trường hợp đi săn cá nhân, người Sán Dìu hường chỉ là đàn ông đi săn. Nơi tổ chức săn ở vùng nương rẫy hoặc rừng già, khi phát hiện ra có con hổ xuất hiện, thì họ đi mò, phục kích để đón đầu, trong trường hợp đi săn cá nhân họ không thể dồn đuổi con Hổ được mà chỉ mò rồi bắn, vì nếu đuổi Hổ phát hiện, bỏ chạy thì sẽ không đuổi kịp. Bên cạnh đó, với sự tinh nhanh vốn có, nhiều lần hổ đánh hơi được nguy hiểm tẩu thoát nên không dễ gì để diệt được[36] Hành trình lần theo dấu vết hổ dữ rất khó khăn. Người ta sẽ theo dõi con hổ qua một quá trình kể từ khi nó vào làng bản bắt heo, bê, chó của người dân, những người thợ săn sẽ lần theo dấu về tìm đến lãnh địa của con hổ ẩn náu rồi quay về thông tin cho đoàn người thợ săn.

Theo dấu

Một cảnh truy lùng hổ, ở Việt Nam còn được gọi là nghề dọi dấu tức là tìm dấu vết hổ

Người ta cũng sử dụng phương pháp phục kích hổ để hạ sát, thông thường là thợ săn được trang bị súng. Người ta sẽ theo dõi con hổ, nắm được quy luật hoạt động, thói quen, đường đi nước bước để tổ chức phục kích và bắn chết hổ. Đối với những cuộc săn hổ theo kiểu trò chơi sinh tử, những thợ săn chia thành từng tốp không quá năm người kéo vào rừng rậm. Một trong những điều cấm kị trong khi di chuyển trong rừng là các thành viên không được nói chuyện, không ồn ào, không cười nói, họ chỉ lẳng lặng đi bên nhau trong những quy ước, kế hoạch đã thỏa thuận từ trước như vậy trong nhiều giờ liền để đến một cái trảng để phục kích hổ đó là một vùng đất cây bụi thấp, đặc biệt nhiều cỏ tranh hình thành do người dân tộc thiểu số bản địa canh tác theo kiểu du canh du cư mà thành, đây là chỗ cỏ tranh mọc lên quá đầu người và là nơi hổ thường xuyên tụ tập vì tranh non là thức ăn khoái khẩu của nai, hoẵng những là con mồi ưa thích và thường xuyên của hổ, khi đêm về, nai kéo nhau ra các bãi tranh ăn cũng là khi hổ xuất hiện rình mồi.

Săn hổ vô cùng nguy hiểm nhưng ly kỳ, người thợ săn phải đối mặt với một trong những loài động vật săn mồi nguy hiểm bậc nhất thế giới động vật do vậy luôn phải trang bị cho mình những bài học kinh nghiệm,[37] trước hết là cách tìm dấu vết hổ (có những người chuyên nghề dọi dấu) để tìm hổ, muốn bắt được hổ phải hiểu tính nết, đặc điểm của nó. Căn cứ vào hướng gió, mùi hổ hay dấu hổ, người ta có thể đoán được hổ đực hay hổ cái, to đến mức nào và dò được khu rừng nào có hổ ở. Hổ rất thính hơi, nó có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người, Khi gió đưa mùi của người đến mũi hổ thì hoặc chúng sẽ không đi về nơi ẩn náu hoặc sẽ khát máu lao ngay đến vị trí của người tấn công ngay lập tức. Đôi khi người ta có thể xác định một khu vực có hổ và tiến vào, và có cách nhận biết những dấu hiệu khi có sự hiện diện của hổ, đó là sự xuất hiện của loài chim đỗ quyên, loài chim này chuyên đi theo hổ để ăn phần thức ăn thừa của chúng. Những người thợ săn có thể nghe tiếng chim chóc trong rừng, quan sát hoạt động của bầy khỉ trên cây từ đó thể đoán được dấu vết và hành tung của hổ.[38]

Sự xuất hiện của loài chim Đỗ quyên là dấu hiệu cảnh báo rằng có hổ hiện diện ở quanh

Trong một khu rừng già, cái mà người thợ săn kinh nghiệm có thể nhận biết có hổ hay không nhờ đặc điểm là rừng thưa và vắng. Nếu vào một khu rừng mà không nghe tiếng chim hót, không thấy bóng một con thú nào, thì có thể khu rừng đó có hổ vừa đi qua. Với mùi đặc trưng, rất thối và tiếng gầm lớn của hổ, làm cho chim chóc cũng không dám hót, các loài dế, nhím, chồn, cáo đang kêu tự nhiên im như thóc.[39] Khi săn hổ thì một kinh nghiệm của những người thợ săn là phải núp ở nơi có những cành thấp chìa ra quanh thân, có tác dụng bảo vệ, cản đường con thú hung dữ lao lên khi bị thương, khi hổ xuất hiện thì sẽ có mùi hôi xộc lên một cách nồng nặc[25] và những tiếng động xào xạc và có thể thấy một khối xám xám đang di chuyển,[27] nhiều người thợ săn phải kiên trì phục kích hổ cả tháng để hổ xuất hiện trong tầm ngắm,[26] họ có thể lần theo xác của trâu bò bị hổ giết hại, nếu phát hiện dấu chân mới, có nghĩa là hổ vẫn quay lại kiếm mồi. Đêm trăng xế là thời điểm hổ thường đi kiếm mồi.[27]

Ngoài ra, việc săn hổ ban đêm tuy nguy hiểm nhưng đi săn vào đêm sẽ có thể gặp thuận lợi hơn bởi người ta có thể dễ dàng phát hiện vị trí của con thú nhờ những cặp mắt sáng xanh như những ngọn đèn trong màn đêm. Tuy nhiên nhiều thợ săn cho rằng loài hổ, khi cảm thấy bị nguy hiểm tự nó có thể tắt ánh sáng này đi một mắt như một sự ngụy trang khéo léo, để có thể hù dọa một số người về hiện tượng lạ lùng này, ngoài ra còn nguy hiểm hơn là chúng có thể thay đổi vị trí, đảo vị trí ẩn nấp hoặc di chuyển của chúng một cách bất ngờ trong đêm. Nhiều trường hợp thợ săn vừa phát hiện một cặp mắt hổ sáng quắc vụt lên trong đêm tối của rừng già nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cặp mắt ma quái đã vụt biến mất và bóng con hổ đã thình lình xuất hiện ở sau lưng với mùi hôi đặc trưng của hổ xộc thẳng mũi đến tận buồng phổi.[38]

Mai phục

Việc chọn vị trí mai phục đóng vai trò vô cùng quan trọng khi theo dấu chân hổ việc lựa chọn sai và thiếu kinh nghiệm, người thợ săn có thể dẫn đến việc đưa mình vào tình thế nguy hiểm. Người săn hổ thường chọn vị trí phía trước có cây bụi thấp, đủ để nấp, khoảng cách từ bụi cây ẩn nấp đến một cây lớn trong rừng già cũng phải đủ rộng để nếu bị hổ tấn công, thì bụi cây hoặc thân cây lớn sẽ giúp tránh cú vồ của hổ. Nhưng nếu không có khoảng trống trong khu vực đó, người thợ săn sẽ rơi vào tình thế bị động, không thể phản công, khi bị hổ dữ tấn công nếu khoảng cách nếu quá gần thì người ta không thể nhảy tránh được và nếu không có bụi cây, thân cây lớn, họ cũng không có nơi ẩn nấp, hạn chế những cú vồ của hổ.

Khi đã chọn được vị trí thuận lợi, thì người thợ săn phải bình tĩnh, im lặng quan sát đợi cơ hội cho con hổ lọt vào tầm ngắm của mình và chính ngay lúc này, điều quan trọng nhất là người thợ săn không thể thiếu kiên nhẫn hoặc hoảng sợ, nếu chưa tới thời điểm phù hợp đã vội vàng tấn công, thì ngược lại có thể trở thành nạn nhân của hổ. Sau khi con cọp bị thu hút bởi ánh đèn sáng rực trong đêm, mắt hướng về phía ánh sáng, người thợ săn nhanh chóng ngắm vào giữa trán con vật, nín thở và bóp cò. Thường thì nếu người ta bắn trật hoặc làm bị thương con vật này khát máu này. Nếu phát súng khiến con cọp bị thương nặng chúng sẽ bỏ chạy vào rừng sâu, ngược lại, phát súng chỉ làm hổ bị thương nhẹ thì nó sẽ điên loạn chống trả quyết liệt, đưa người thợ săn vào vòng sinh tử và thực sự rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đôi khi sự hốt hoảng, mất bình tĩnh của người đi săn có thể là lần đi săn cuối cùng trong đời họ. Khi hổ lao đến tấn công thì những người thợ săn nhanh chóng phân tán mỏng ra, ẩn sau những thân cây lớn để tránh các cú vồ chết người, khi hổ vồ hụt, chúng sẽ dừng ít giây chuẩn bị cho một cú vồ khác, lợi dụng thời gian này, họ đổi sang cây khác để phân tán sự tập trung của con vật vào một nạn nhân, những người còn lại sẽ tìm cách bắn hạ nó.

Sau khi bắn hạ con hổ, những thợ săn sẽ đứng dậy quan sát chứ không ra khỏi chỗ ẩn nấp cho đến khi con vật không còn nhúc nhích. Sau đó, họ sẽ dùng lưỡi dao thép bén lột bộ da vằn vện của hổ, họ sẽ chôn xác con vật trong một cái huyệt cạn được vùi bằng những loại cây gai chắc chắn, mục đích của việc này là để các vi sinh vật làm sạch phần thịt của con hổ, sau khoảng 3 tháng, phần xác giờ đã trở thành một bộ xương sạch sẽ và chúng sẽ được mang về làm cao hổ cốt. Tuy vậy, Thường thì những cuộc đối đầu với ông hoàng rừng xanh của loài người luôn gặp phải thất bại vì nếu không tấn công chúng trúng lúc nó không đói mồi thì loài cọp cũng không nguy hiểm nếu khiến chúng nổi giận thì quả thật khó lường. Và không phải người thợ săn nào cũng đủ bình tĩnh khi giáp mặt với hổ, sự xuất hiện trong mùi tanh tưởi của thần chết với bộ lông vằn vện của chúng nhanh chóng thổi bay sự hứng thú ban đầu của người muốn săn.

Dùng bẫy

Một loại bẫy hổMột kiểu bẫy hổMột loại bẫy hổ khác

Phương thức sử dụng bẫy bằng việc nhử mồi, người ta sẽ sử dụng những con mồi đặt trong những cái bẫy, có thể giết con mồi hoặc để con mồi sống hoặc tưới máu máu tươi lên con mồi để nhử con hổ, khi con hổ vồ lấy con mồi cũng là lúc bị sập bẫy, thông thường người ta sẽ dùng con mồi nhử trong đêm và sáng ra sẽ xem kết quả[40] có nhiều loại bẫy trong đó có bẫy sập và bẫy treo, bẫy lưới. Có một kiểu bẫy khác đó là săn bằng dọi đèn vì nhiều loài động vật hoang dã trong đó có hổ bị hấp dẫn bởi ánh sáng trong đêm, đến khu vực có hổ và thấy chúng, thợ săn sẽ dùng đèn để thu hút sự chú ý của nó và tìm cách bắn hạ.

Người dân tộc ở miền núi ở Mường Lát, Thanh Hóa thì có cách đặt bẫy hổ và dùng bùa chú, các thợ săn bắt làm những chiếc bẫy thường hay sử dụng để bắt thú lớn là bẫy tên và bẫy hầm. Làm bẫy hầm cần đào một chiếc hố lớn, bên trên ngụy trang khéo léo bằng các lá cành khô, bên dưới cắm chi chít các bàn chông dựng ngược, họ sẽ đặt những ký hiệu có bẫy, báo cho bà con biết mà tránh lối. Khi thú sa xuống bẫy sẽ bị thương hoặc không thể leo khỏi hố được, nằm yên chờ bị bắt. Thường người ta hay bắt được hổ, bò tót và lợn lòi từ bẫy hầm. Ngoài ra có phương pháp bẫy tên, là một đoạn cây đóng thẳng ở ngã ba đường, phía trên kẹp một thân nứa đập dập hình mũi tên chỉ hướng có bẫy, hoặc ở bên lối đi vào rừng thì vít xuống một cành cây, treo lên đó một mũi tên và một cuộn dây thừng, họ tin rằng nếu hổ bị thương mà không trúng tim hay yếu huyệt nào đó thì hổ dù có sức mạnh cũng chỉ đeo tên chạy được vài quả đồi hay vài trăm mét sẽ chết.[28]

Ở Việt Nam, một số thợ săn đào một cái hố sâu 4m, rộng mỗi chiều 2 mét, ngụy trang kỹ, ngay trên đường mà con hổ thường vào để bắt lợn, người ta cũng làm một cái hầm đất, cách cái hố bẫy khoảng 30m và thay nhau nằm chờ hổ sập bẫy hoặc dừng lại để rơi vào tầm ngắm của súng. Một số con hổ ở làng bả nhiều lần mò vào bắt chó ăn thịt nên bén mùi, người dân làm một nhà chòi chắc chắn tạo thành cái lồng có cửa sập, đêm xuống bắt một con chó treo trong đó để nó kêu dụ hổ vào. Người ta sẽ nấp chỗ an toàn rình canh hổ mò vào bắt chó, và sẽ giật dây cho cửa sập xuống, cột chặt lại, nhốt được hổ trong chòi, đồng thời chờ mấy ngày sau, con hổ đói lả nằm bẹp, dân làng kéo lên dùng giáo hạ sát nó.[41][42] Một cách thức khác là bẫy bằng kẹp sắt, theo đó, thợ săn dùng cái bẫy để dụ con hổ vào tròng để bắt, đó là một khung gỗ gọi là chòi rộng 1m và dài khoảng 5m, bên trong có để một con chó làm mồi nhử, phía trên thì có lưới bao phủ. Khi hổ phát hiện nó sẽ nhảy vào bắt chó, khi tiến vào lập tức nó bị sập xuống bẫy và lưới sẽ phủ lên mình hổ khiến nó không thể chạy thoát.

Một trong những loại bẫy còn gọi là Chùa cọp. Người ta sẽ chặt cây làm Chùa cọp. Chùa cọp là một loại bẫy dùng để bắt sống những con hổ hung dữ, nó được làm bằng các cột chống là cây rừng có độ dẻo, rất bền chắc. Mỗi cây được đóng chéo vào cây kia, cứ thế đan nhau mà tạo thành một cái chuồng lớn, thường thì chiều dài của mỗi chùa là 4m, rộng 2m và cao khoảng 1,5 m. Trên mỗi Chùa Cọp có đặt những tảng đá lớn để Cọp khỏi hất tung Chùa. Trong quá trình làm bẫy chùa, những người còn lại trong phường săn sẽ chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để săn cọp. Trong đó, dụng cụ không thể thiếu là lưới săn. Lưới bắt hổ được làm từ loại cây leo rất bền và chắc. Người ta sẽ dựng lưới vây quanh khu vực hổ đang ẩn náu. Vòng vây lưới chỉ chừa lại một lối duy nhất chính là chỗ những thợ săn tiến vào đối mặt với hổ. Ở cuối hướng chạy của hổ là lưới đơm được đóng vững, buộc cố định. Còn lại, lưới vây đều có thể di động khi vòng vây khép dần lại. Bên ngoài vòng vây phải có đội ngũ thợ săn cầm đinh ba, mác nhọn sẵn sàng chiến đấu khi hổ lao ra xé lưới hoặc nhảy qua lưới.

Người ta cũng dùng những biện pháp bẫy hổ, săn hổ bằng bẫy lưới, hổ vào bẫy ăn mồi, bẫy lưới sập xuống túm chặt, cách này khá đơn giản. Một cách bẫy hổ nữa mà người Vân Kiều hay dùng là bẫy vòng, người ta lợi dụng ngọn cây cao, cứng được vít cong xuống mặt đất và nối với một chiếc dây phanh làm thòng lọng. Khi hổ vào ăn con mồi, chạm lẫy, thòng lọng thít lại, cây bật lên, kéo hổ thẳng lên trời. Khi hổ đau đớn gầm rú, người dân kéo ra đâm chết, có con sập bẫy, chưa kêu thì đã chết như bị treo cổ, có những con khi chết thối mới có người đi thăm bẫy phát hiện ra. Ngoài ra có loại bẫy bằng kẹp sắt nặng đến gần 50 kg, theo tập tính, khi hổ bắt trâu, chúng thường ăn trước bộ lòng, sau đó đem giấu phần thịt ở một nơi kín rồi khi đói tới ăn, người dân sẽ theo dấu con hổ và đem bẫy đến đặt, thường thì bên cạnh xác con trâu đó và phát một luồng sáng nhỏ để chắc chắn hổ đi vào lối này, rồi đặt bẫy để hổ giẫm vào.[43]

Người ta cũng dùng bộc phá vào những con mồi, chẳng hạn như con heo đã thối rữa, hổ rất thích ăn thịt thối nên nó hay quay lại ăn những chỗ thịt thừa. Thông thường khi bắt được một con heo thì hổ sẽ ăn hết đôi mông, bộ lòng con heo rồi giấu phần còn lại trong khe đá, kéo cành lá đắp kín để hôm sau ăn tiếp,[44] khi bắt được con trâu hay con bò thì hổ thường xác con trâu trong một bụi rậm, nó sẽ phanh bụng trâu ra, moi ruột, dạ dày vung vãi khắp nơi, da thịt bị xé ra, thịt ở mông vai sẽ được ăn hết.[25] Sau này người Vân Kiều ít bẫy được hổ vì hổ đã rất hiếm lại tinh khôn nhưng với thuốc nổ, người ta cứ đặt bộc phá vào con mồi, hổ đến ăn chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Ngoài ra, để bắt con cọp ba móngĐồng Nai hay ăn thịt người, bộ đội cũng dùng biện pháp cài lựu đạn vào xác nạn nhân mà con hổ này đang ăn dang dở và đã giết được con hổ này.

Đối với săn hổ Mãn Châu, người ta còn dùng phương pháp dùng cái bẫy dây đặt ở khu rừng, những cái bẫy này được những kẻ săn trộm cài đặt để bắt các động vật như thỏ, hươu, và hổ. Tháng 10 năm 2011, một con hổ Mãn Châu đã bị chết do dính bẫy dây thòng cổ được tìm thấy gần thành phố Mishan tỉnh Hắc Long Giang, sau đó một nhóm tình nguyện viên đã gỡ bỏ 162 cái bẫy giây để săn hổ Mãn Châu. Một cuộc khảo sát của WWF, trong môi trường sống của hổ Siberia ở Hắc Long Giang và Cát Lâm, trung bình 10 km2 lại có 1,6 cái bẫy. Ở Thái Lan, những kẻ săn trộm còn dùng mồi thịt tẩm thuốc độc chúng giết voi và tẩm độc vào voi để bẫy hổ.[45] Những người thợ săn còn cho rằng con hổ khi trúng bẫy, dù bị vướng một chân vào dây thừng của bẫy nhưng nó hoàn toàn có thể giết người bởi móng vuốt và sức vóc to lớn của nó và những người không có nghề sẽ bị con hổ sát hại ngay.[46]

Dồn đuổi

Dùng các tiếng động, lửa, đông người dọa dẫm để xua đuổi hổ về vị trí đã định sẵn (thông thường có đặt bẫy), người ta sẽ dùng tiếng chiêng trống khua lên om sòm gây kinh hoàng cho hổ. Thông thường với cách này, người ta sẽ tổ chức thành từng đoàn, sử dụng tất cả những gì có thể gây tiếng động, từ trống, đến thanh la, thùng nhằm làm cho hổ hoảng sợ, tổ chức nhiều phường săn đi lùng đuổi hổ. Những tiếng chiêng, tiếng trống âm vọng dồn dập hòa cùng tiếng phèng la rền rĩ, tiếng mỏ inh ỏi, khiến cho hổ trong vòng vây cuống cuồng tìm đường thoát thân, người ta đặt sẵn nhũng hàng rào cao đến 4-5 thước và khá chắc chắn khiến nó không nhảy qua được hàng rào cây, lúc này hổ chỉ biết gầm thét điên cuồng và tiếp tục chạy vòng quanh, trong khi vòng vây hàng rào được hàng trăm người bên ngoài nhích khép dần lại. Cuối cùng, hổ tự tra đầu vào chiếc thòng lọng bện bằng tre cật.[42]

Tranh vẽ về một cảnh vây và dồn hổ

Để bắt hổ, người ta cũng sử dụng những tấm lưới đặc dụng, đó chỉ là tấm lưới mắt cáo được bện bằng dây gai rắn chắc, một cái cây có thòng lọng bện bằng tre cật và những cây giáo, cán mòn thín, cứng như thép nguội và được nhiều người sử dụng. Người dân đi làm rẫy phát hiện ngọn núi nào có hổ về ẩn nấp thì báo tin các đội săn kéo tới, phường săn chặt cây, dùng lưới gai vây bít những đoạn trống quanh quả núi có hổ, hổ sẽ bỏ đi nhưng thấy chặn đường, lưới vây là nó không dám thoát ra. Sau khi đã giữ được cọp lại, các thợ săn tiếp tục chặt mây và cây rừng buộc thành những tấm hàng rào chắc chắn cao đến bốn, năm thước. Khi hàng rào làm đủ vây quanh núi, nó được thay thế vòng vây lưới gai. Các thợ săn mang giáo, thòng lọng, chia nhau khép dần vòng vây hàng rào lại. Khi chỉ còn cách trung tâm hơn chục thước khi đã thấy rõ con hổ bên trong rào lồng lộn, gầm rú.[42]

Hổ sẽ chạy vòng quanh lấy trớn để phóng qua hàng rào nhưng không thành, bên ngoài, các thợ săn vừa nhích khép hàng rào, vừa khua chiêng, đánh trống, tốp thì gõ mõ, đánh phèng la inh ỏi càng làm cho cọp sợ hãi, lồng lộn. Đến khi khép hàng rào lại chỉ còn cách trung tâm năm, bảy mét, các thợ săn tay cầm giáo chờ chực bên ngoài. Một số khác cầm cây có thắt thòng lọng bện tre cật đưa vào trong. Cứ thấy cọp chạy sát hàng rào, họ lập tức phóng mũi giáo vào nó. Bị mũi giáo thọc đau, con cọp càng phát hoảng, chạy vòng bất kể các vật cản trước mặt và thế là đưa đầu vào thòng lọng. Ngay lập tức, các thợ săn cầm thòng lọng lôi mạnh, ép hổ vào hàng rào để những người cầm giáo đâm tới tấp để giết chết.[41][42]

Đối với việc đặt bẫy kiểu Chùa cọp. Khi mọi việc chuẩn bị và bố trí xong xuôi, người trưởng phường săn đánh một hồi chiêng trống, hô vang Vòng vây lưới hẹp dần, cho đến khi áp sát gần Chùa cọp đã được dựng sẵn. Chúa sơn lâm điên cuồng lao hết chỗ lưới này đến chỗ lưới khác hòng thoát thân và lao vào lưới cắn xé, những thợ săn cần phải tìm những điểm yếu của hổ để tấn công lại, người ta thường đâm vào mạng sườn, nơi duy nhất hổ để lộ ra khi tấn công con mồi, liên tục như thế nhiều lần đến khi hổ không còn lao tới nữa mà cứ chạy quanh vòng vây. Cuộc phong tỏa bằng lưới kéo dài hàng tuần lễ, sau nhiều ngày không được ăn uống, hổ mệt vì đói cuối cùng cũng lao đầu vào Chùa đã dựng chờ sẵn. Cửa Chùa lập tức sập xuống, từ trong Chùa cọp, hổ bị ép vào cái cũi bằng gỗ cứng gọi là rọ kẹp và bị bắt.

Lưới sót - vũ khí bắt cọp của người Thủy Ba

Chiến thuật dồn đuổi hổ để hổ chui đầu vào rọ hay vào lưới được người làng Thủy Ba áp dụng rất thuần thục và đây chính là kỹ năng của một cộng đồng nổi tiếng về săn hổ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Họ có một trận đồ đánh hổ rất hiệu quả, trận đồ là những vàng lưới, đội quân trai tráng cùng với những cây đinh ba, giáo mác, thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đều được tập trung vào những nhóm bắt cọp. Cách bắt hổ hiệu quả nhất là giăng ải. Ải là khu vực giăng lưới để bủa vây hổ. Lưới được bố trí theo hình cánh cung, có hai phần gồm phần cố định và phần di động. Phần lưới cố định luôn được 5-6 trai đinh canh giữ để khi thấy hổ xuất hiện thì báo cho người làng biết mà khép chặt vòng lưới di động.[47] Trong xâu được chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm đài, nhóm lưới, Mỗi nhóm bắt cọp được gọi là xâu, mỗi xâu có 12 người được trang bị giáo mác, đài, lưới, Mỗi nhóm từ 2 đến 4 người. Ngoài ra còn có 4 nữ thanh niên khỏe mạnh đi theo các xâu phục vụ hậu cần trong quá trình giăng ải. Những người còn lại cầm giáo mác, đánh chiêng, gõ mõ để xua cọp vào ải. Họ sẽ cử người có kinh nghiệm lần theo dấu vết, xác định vị trí hổ.

Lưới bắt hổ kết bằng một loại cây thân leo ở rừng già, to bằng bắp tay người lớn gọi là lưới sót, Lưới sót có chiều cao khoảng 3 m và chiều dài 25–30 m. Và mỗi lần vây bắt hổ phải cần đến 20-30 tay lưới sót. Cây leo được đập dập cho đến lúc nhũn, bóc bỏ lớp vỏ ngoài và nấu bằng lửa than. Việc kết lưới rất công phu, sau vài tháng trời mới xong một tay lưới, với chiều dài 15-20m, cao 4-5m, ô lưới rộng 10 cm một số nơi khác, có đài là cọc chống thường làm bằng gỗ hoặc tre già cao khoảng 12 mét để dựng lưới. Lưới được bện (dệt) từ vỏ cây sót. Bóc vỏ cây sót về, dùng chày gỗ đập nát rồi ngâm vào nước vôi chừng vài tuần, bột gỗ rửa hết chỉ còn trơ lại sợi. Sợi cây sót có độ bền và không bị mục nát. Mắt lưới rộng khoảng 20 phân, mỗi tay lưới rộng 8 mét, cao 3,5 mét.[17] Sau khi đã hoàn thành việc bủa lưới bao vây, đội quân bắt hổ được bố trí vào những vị trí chiến đấu, sau đó họ sẽ chọn ra những thợ săn tinh tường đóng vai trò nhạc trưởng, là người có khả năng nhìn bao quát được địa hình và phán đoán chính xác sự di chuyển của con hổ. Sau khi phát lệnh tấn công, họ còn đảm nhận nhiệm vụ khép các gốc lưới và tiên phong vào đè cổ, đè bụng, trói mồm con hổ.[17]

Người ta bủa một vòng lưới như thường lệ, phải bủa tới 3 vòng lưới nhỏ dần ở khu rừng, toàn bộ số người tham gia bắt hổ với đinh ba, giáo mác sẵn sàng trong tay, nằm in ở vòng ngoài cùng. Bên cạnh, 3 người đứng trên 3 chòi canh cao, theo dõi con hổ cho tới khi nó đụng lưới chạy vào vòng trung tâm. Lúc này, người chỉ huy phát lệnh, mọi người hò reo, hổ hoảng hốt nhảy ra ngoài. Tiếng người hò reo, chiêng trống liên hồi, giục giã, các tay lưới ép sát, giáo mác tua tủa ở vòng ngoài. Hổ dần bị khép dồn vào một cái bẫy gỗ bên ngoài được bao bọc bằng lưới gọi là kẹp rọ. Cùng đường, hổ phải nhảy vọt vào kẹp rọ và bị hai gọng kiềng của bẫy sập kín lại[48]. Nếu hổ không vào rọ thì có phương án phần lưới cố địnhh được trai đinh nhổ néo lên, áp chặt con hổ lại. Vòng vây cứ khép dần, dồn con hổ về phía trung tâm lưới cho đến khi nhìn thấy thân hình vằn vện hung dữ của con hổ lồng lộn giữa đám cây rừng. Khi con hổ nhào lên phần lưới, trai đinh với đinh ba, giáo mác trên tay chờ con hổ lao lên lưới là đâm thẳng vào yết hầu, vào thân thể hổ đến khi hổ kiệt sức. Khi con hổ thương tích đầy mình nằm im không còn sức kháng cự nữa thì lưới bắt đầu được hạ xuống và trai đinh làng Thủy Ba lao vào trói chặt con hổ lại.

Động vật

Họa phẩm về một cảnh săn hổ bằng voi ở Đông Ấn Độ

Săn hổ bằng voi là một cách săn hổ khá an toàn và rầm rộ nhưng vô cùng tốn kém. Để tổ chức được một cuộc săn bắt có quy mô khá lớn bằng voi như trên, những người tổ chức phải có mối liên hệ với các dân tộc bản địa. Cách này thường được tiến hành ở Ấn Độ, Tây Nguyên...sau khi thỏa thuận các tay thợ săn chịu trách nhiệm điều hành cuộc săn sẽ thuê người dân tộc và voi của họ với giá cao. Mỗi cuộc săn hổ bằng họ thường thuê sử dụng 10 con voi thuần chủng và hơn 20 người dân tộc bản địa. Sau đó, người ta sẽ cử người vào rừng thám thính những nơi hổ thường xuyên xuất hiện để chắc chắn rằng cuộc săn hổ vào ban ngày sẽ thành công.

Sau khâu chuẩn bị, các tay súng cùng khách hàng sẽ được quản tượng cho cưỡi voi, kéo vào rừng. Những người dân tộc bản địa chia thành từng tốp mang theo vũ khí, thanh la, chiêng trống. Đến khu vực đã được báo trước có hổ, đoàn người sẽ bao vây khu vực, nổi chiêng trống, thanh la, đánh động hổ thức giấc. Họ cố tạo nhiều tiếng động để con mồi tháo chạy tứ phía, vòng vây gồm người, voi, chiêng trống, thanh la, lao, xà - gạc, cung, nỏ xiết chặt dần và sau đó những người ở trên lưng voi dùng súng hạ sát hổ. Những cách săn hổ như trên chỉ mang tính giải trí và dần lui vào lãng quên bởi chi phí cho mỗi lần tổ chức khá lớn.

Sử dụng chó săn để săn hổ theo phương pháp này thì người ta phải huấn luyện một bầy chó săn thuần thục, đặc biệt là khi săn hổ trong rừng taiga. Khi gặp phải con hổ, những con chó sẽ bắt đầu sủa dữ dội, đồng thời cầm chân con hổ bằng việc bu vào cắn vào phía chân sau hoặc mông của con hổ. Con hổ buộc phải quay lại đối đầu. Khi con hổ cuối cùng bị dồn ép và những con chó thường sẽ làm cho tiếng sủa chói tai làm cho con hổ trở nên cực kỳ căng thẳng. Một nửa trong số các con chó sẽ tiếp tục bao quanh con hổ, trong khi những con chó khác được nghỉ ngơi. Mặc dù con hổ có sức mạnh rất gê gớm những con hổ thường không trụ vững trước những con chó trừ khi nó bị dồn ép và nhiều khi phải tháo chạy, điều này liên tưởng đến việc vây đánh hổ của những con sói lửa.[40]

Người Sán Dìu khi đi săn hổ cũng đen theo những con chó để hỗ trợ và nếu nhà nào có đem theo chó săn thì sẽ được thưởng phần thịt hổ khi săn được. Ở Nga, người ta còn dùng chó truy tìm hổ, họ chọn giống chó săn tại Đức, sau khi được đào tạo tại Nga để chuyên đánh hơi phát hiện phân hổ, một con chó nghiệp vụ được đưa tới Campuchia để tìm kiếm dấu vết của hổ tại khu bảo tồn, chúng sẽ kiếm phân hổ tại khu bảo tồn đa dạng sinh học Seima.[49] Tuy nhiên, các giống chó săn nội địa ở Việt Nam cũng giống như giống chó nhà rất sợ hổ, khi thấy có khí của hổ trong bán kính gần 1 km, giống chó săn cũng không có con nào dám đến gần[50] những con chó săn khi đánh hơi thấy hổ là đã không dám đánh hơi tiếp nữa mà cứ quanh quẩn bên con người[51] nhất là ở Miền Tây sông nước, khi đang đi rừng mà thấy đàn chó săn cụp đuôi, sợ sệt co cụm lại là dấu hiệu nhận biết con hổ đang ở gần và họ chọn giải pháp là lùa bọn chó xuống xuồng và rời khu vực đó.[52]

Một phương pháp khác là sử dụng ngựa chiến để săn hổ. Ngựa chiến được sử dụng bởi các sĩ quan kỵ binh trong thế kỷ thứ 17 ở Ấn Độ dưới triều đại của những người cai trị từ Mông Cổ, những kỵ binh dũng mãnh thiện chiến sau khi đuổi theo những con hổ cho đến khi nó kiệt sức, các kỵ sĩ sẽ phi nước đại xung quanh những con hổ tạo thành một vòng tròn và đường kính ngày càng xiết lại, vòng vây ngày càng khép chặt, và sau đó họ sẽ thúc ngựa lao lên rạp người và giết chết con hổ với một nhát chém.[53]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Săn hổ http://www.atimes.com/atimes/South_Asia/HC21Df01.h... http://www.voatiengviet.com/content/interpol-vietn... http://www.vitalstatistics.info/sub-category2.asp?... http://archive.is/KHqOI http://www.thiennhien.net/2007/09/11/nhuc-nhoi-nan... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/dung-cho-tru... http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/lan-dau-tien... http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/thu-tuong-dong... http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/lay-... http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/thit...